THRNRG1

Bệnh nhân nữ 32 tuổi than phiền đau bụng tái đi tái lại từ khi cô 17 tuổi. Cô cũng nhận thấy giảm đầy bụng sau khi đại tiện, táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau. Bệnh nhân không sụt cân, không xuất huyết tiêu hoá, không tiêu chảy về đêm.

Khám bụng thấy bụng chướng và ấn đau 1/4 dưới trái.

Kết quả cận lâm sàng, bao gồm cả công thức máu, đều bình thường.

Xử trí ban đầu nào là phù hợp nhất trên bệnh nhân này?

A. Khuyên bệnh nhân ăn nhiều chất xơ, có thể kê thuốc chống co thắt cơ trơn nếu cần, và theo dõi tái khám sau 2 tháng
 Chính xác! 

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng ống tiêu hóa, đặc trưng bởi đau bụng và rối loạn nhu động ruột, không kèm theo bất kỳ một bất thường nào về giải phẫu, tổn thương viêm, nhiễm trùng hoặc khối u ở đại tràng. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích còn có tên gọi khác là bệnh rối loạn chức năng ruột. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây các triệu chứng đường tiêu hoá mạn tính và gặp ở nữ giới nhiều gấp 3 lần so với nam giới.

Bệnh nhân này thỏa chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo tiêu chuẩn Rome II. Tiêu chuẩn chính là đau bụng giảm khi đại tiện và thay đổi số lần đại tiện và tính chất phân. Ngoài ra, bệnh nhân thường khó đại tiện, cảm giác đi không hết, và phân nhầy.

Ở trường hợp này, bệnh nhân trẻ, triệu chứng kéo dài, và không có bằng chứng của bệnh thực thể qua khám lâm sàng và xét nghiệm nên không cần đề nghị xét nghiệm thêm (ví dụ nội soi đại tràng hay khảo sát ruột non đánh giá kém hấp thu). Bất dung nạp lactose cũng có triệu chứng tương tự và nên là chẩn đoán phân biệt trong mọi trường hợp.

Đối với những bệnh nhân tuổi lớn hơn 40 với các triệu chứng mới xuất hiện, sụt cân, hay tiền căn gia đình có ung thư đại tràng nên được đánh giá sâu hơn, thường là nội soi đại tràng.

Điều trị ban đầu của hội chứng ruột kích thích là chế độ ăn nhiều chất xơ. Thuốc chống co thắt cơ trơn giúp giảm triệu chứng quặn bụng. Nếu thay đổi chế độ ăn không hiệu quả, có thể kê thêm thuốc nhuận tràng tạo khối (như psyllium hay polyethylene glycol).

Điều trị với rifaximin 2 tuần đã được chứng minh hiệu quả trên bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng dù đã thay đổi chế độ ăn, nhưng rifaximin không được khuyến cáo là điều trị đầu tay.

B. Đề nghị nội soi đại tràng
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân này thỏa chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo tiêu chuẩn Rome II.

Ở trường hợp này, bệnh nhân trẻ, triệu chứng kéo dài, và không có bằng chứng của bệnh thực thể qua khám lâm sàng và xét nghiệm nên không cần đề nghị xét nghiệm thêm (ví dụ nội soi đại tràng hay sinh thiết ruột non đánh giá kém hấp thu).

C. Kê rifaximin 2 tuần
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân này thỏa chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo tiêu chuẩn Rome II.

Điều trị với rifaximin 2 tuần đã được chứng minh hiệu quả trên bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng dù đã thay đổi chế độ ăn, nhưng rifaximin không được khuyến cáo là điều trị đầu tay.

D. Sinh thiết ruột non
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân này thỏa chẩn đoán hội chứng ruột kích thích theo tiêu chuẩn Rome II.

Ở trường hợp này, bệnh nhân trẻ, triệu chứng kéo dài, và không có bằng chứng của bệnh thực thể qua khám lâm sàng và xét nghiệm nên không cần đề nghị xét nghiệm thêm (ví dụ nội soi đại tràng hay sinh thiết ruột non đánh giá kém hấp thu).