Nhu cầu năng lượng
Tổng năng lượng tiêu hao hàng ngày (total daily energy expenditure, TEE) là tổng của:
- năng lượng tiêu hao lúc nghỉ (thường khoảng 70% TEE).
- hiệu ứng nhiệt từ thức ăn (khoảng 10% TEE).
- năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực (khoảng 20% TEE).
Không thể xác định chính xác nhu cầu năng lượng hàng ngày dựa vào các công thức ước tính vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ chuyển hóa của cơ thể. Vận dụng phù hợp vào các công thức ước tính ta có thể tính được nhu cầu năng lượng ở mức độ tương đối và hiệu chỉnh, nếu cần, dựa vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
Suy dinh dưỡng và chế độ ăn thiếu năng lượng có thể làm giảm mức tiêu hao năng lượng khi nghỉ từ 15 đến 20% so với mức ước lượng cho cơ thể với cùng thể trạng, trong khi đó các nhân tố gây stress chuyển hóa như các bệnh viêm nhiễm hoặc chấn thương, lại thường làm tăng nhu cầu năng lượng (thường tăng khoảng 50% so với trước khi bị bệnh).
Công thức Harris-Benedict giúp ước lượng tương đối mức năng lượng tiêu hao lúc nghỉ (Kcal/ngày) ở người lớn khỏe mạnh. Công thức này có tính đến vai trò của kích thước cơ thể và khối nạc (chịu ảnh hưởng của tuổi và giới) đối với nhu cầu năng lượng và có thể được sử dụng để tính toán tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày cho các bệnh nhân nội trú:
- Nam giới: [math]66 + (13.7 \times W) + (5 \times H) – (6.8 \times A)[/math]
- Nữ giới: [math]665 + (9.6 \times W) + (1.8 \times H) – (4.7 \times A)[/math]
- W là cân nặng (kg), H là chiều cao (cm), A là tuổi (năm).
Nhu cầu năng lượng với mỗi kg cân nặng tỷ lệ nghịch với chỉ số BMI ở bảng bên dưới. Ở mỗi phân nhóm BMI, nên cân nhắc lấy nhu cầu năng lượng ở giới hạn thấp nếu là bệnh nhân có kháng insulin, hoặc bị bệnh nguy kịch, trừ trường hợp bệnh nhân có khối lượng mỡ thấp.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) (kg/m2) | Nhu cầu năng lượng (Kcal/kg/ngày) |
---|---|
15 | 35-40 |
15-19 | 30-35 |
20-24 | 20-25 |
25-29 | 15-20 |
>30 | <15 |
Nhu cầu protein
Khoảng 97% dân số người trưởng thành có nhu cầu protein là 0,8 g/kg/ngày.
Nhu cầu protein chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Năng lượng phi protein, tổng năng lượng, chất lượng protein, tình trạng dinh dưỡng nền của bệnh nhân và các yếu tố stress chuyển hóa. Bảng bên dưới
Tình trạng lâm sàng | Nhu cầu protein (g/kg cân nặng lý tưởng/ngày) |
---|---|
Bình thường | 0.8 |
Stress do tăng chuyển hóa (bệnh lý/chấn thương) | 1.0-1.5 |
Tổn thương thận cấp (không lọc máu) | 0.8-1.0 |
Chạy thận nhân tạo | 1.2-1.4 |
Lọc màng bụng | 1.3-1.5 |
Ước tính cân nặng lý tưởng dựa vào chiều cao (m):
- Nam giới: [math]48.1 + 2.7 \times \left( \frac{\text{chiều cao} – 1.5}{0.0254} \right) \text{ (kg)}[/math]
- Nữ giới: [math]45.4 + 2.3 \times \left( \frac{\text{chiều cao} – 1.5}{0.0254} \right) \text{ (kg)}[/math]
Cung cấp không đầy đủ các acid amin thiết yếu sẽ dẫn đến sử dụng không hiệu quả.
Bệnh tật làm tăng dị hóa acid amin từ cơ vân, tuy nhiên dù tăng cường lượng protein lên tới >1,2 g/kg/ngày ở các bệnh nhân nặng trước khi nhập viện cũng chưa chắc đã ngăn ngừa được sự mất khối lượng nạc của cơ thể do bệnh tật.1Ishibashi N, Plank LD, Sando K, Hill GL. Optimal protein requirements during the first 2 weeks after the onset of critical illness. Crit Care Med. 1998 Sep;26(9):1529-35. doi: 10.1097/00003246-199809000-00020. PMID: 9751589.
Nhu cầu acid béo thiết yếu
Gan có thể tổng hợp phần lớn acid béo, nhưng cơ thể người thiếu enzym thủy phân cần thiết để tạo ra các acid béo n-3 và n-6. Vì vậy, acid linoleic cần chiếm ít nhất 2% và acid linolenic cần chiếm ít nhất 0,5% số calo ăn vào hàng ngày để phòng thiếu hụt acid béo thiết yếu.
Có thể sử dụng tỷ lệ triene/tetraene trong huyết thanh tăng >0,4 để phát hiện sự thiếu hụt acid béo thiết yếu.
Những bệnh nhân không thể truyền tĩnh mạch hoặc uống được dung dịch lipid thì có thể bôi ngoài da mỗi ngày 1 thìa đầy dầu rum (safflower) để cung cấp acid béo thiết yếu.
Nhu cầu carbohydrates
Một số mô như tủy xương, hồng cầu, bạch cầu, tủy thận, mắt và thần kinh ngoại vi không thể chuyển hóa được các acid béo, nên cần glucose (khoảng 40 g/ngày) đê cung cấp năng lượng. Một số mô khác như não cần nhiều glucose hơn (khoảng 120 g/ngày).
Nhu cầu chất khoáng và vi lượng
Các chất khoáng chính rất quan trọng cho cân bằng nước điện giải và chức năng bình thường của tế bào.
Các yếu tố vi lượng và vitamin là thành phần quan trọng trong các phức hợp enzyme. Lượng yếu tố vi lượng, vitamin tan trong dầu, vitamin tan trong nước được khuyến cáo là +2 độ lệch chuẩn (+2SD) trên giá trị trung bình ước tính sẽ đáp ứng nhu cầu của 97% dân số khỏe mạnh.
Lưu ý
Cả vị trí và chiều dài ruột bị cắt bỏ đều ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng. Những bệnh nhân bị cắt đoạn hỗng tràng và hồi tràng cần được bổ sung vitamin và khoáng chất nếu họ không được nuôi ăn ngoài đường miệng.
Viêm hoặc cắt đoạn cuối hồi tràng, viêm ruột hay mổ nối ruột (ví dụ nối hỗng-hồi tràng) có thể gây thiếu hụt vitamin B12 và muối mật. Tình trạng tiêu chảy ở những bệnh nhân này có thể được cải thiện nếu uống cholestyramin vào bữa ăn đầu tiên trong ngày.
Phẫu thuật cắt một phần dạ dày (có thể kèm cắt tá tràng), Billroth I, Billroth II, chuyển miệng nối tá tràng/mật tụy, nối Roux-en Y, cắt khối tá tụy (phẫu thuật Whipple) hay cắt dạ dày kiểu tay áo có thể gây giảm hấp thu các cation 2+ như sắt, calci, đồng. Thiếu hụt đồng cực kỳ phổ biến ở các bệnh nhân sau phẫu thuật nối (bypass) dạ dày mà không được bổ sung đồng thường quy.2Gletsu-Miller N, Broderius M, Frediani JK, Zhao VM, Griffith DP, Davis SS Jr, Sweeney JF, Lin E, Prohaska JR, Ziegler TR. Incidence and prevalence of copper deficiency following roux-en-y gastric bypass surgery. Int J Obes (Lond). 2012 Mar;36(3):328-35. doi: 10.1038/ijo.2011.159. Epub 2011 Aug 30. PMID: 21876546; PMCID: PMC3748601.
Những bệnh nhân cắt ruột nhiều cần được bù thêm dịch và điện giải. Cần đánh giá thể tích dịch mất do tiêu chảy, mất qua hậu môn nhân tạo, và qua lỗ dò để xác định đúng lượng dịch cần bù. Biết được lượng dịch bị mất cũng rất hữu ích trong tính toán lượng điện giải bị mất bằng cách nhân thể tích dịch mất với nồng độ các chất điện giải trong dịch ruột (xem bảng bên dưới)
Vị trí | Na (mEq/L) | K (mEq/L) | Cl (mEq/L) | HCO3 (mEq/L) |
---|---|---|---|---|
Dạ dày | 65 | 10 | 100 | – |
Mât | 150 | 4 | 100 35 | 35 |
Tuy | 150 | 7 | 80 | 75 |
Tá tràng | 90 | 15 | 90 | 15 |
Hỗng–hồi tràng | 140 | 6 | 100 | 20 |
Đoạn cuối hồi tràng | 140 | 8 | 60 | 70 |
Trực tràng | – | 90 | 15 | 30 |
Tài liệu tham khảo
- 1Ishibashi N, Plank LD, Sando K, Hill GL. Optimal protein requirements during the first 2 weeks after the onset of critical illness. Crit Care Med. 1998 Sep;26(9):1529-35. doi: 10.1097/00003246-199809000-00020. PMID: 9751589.
- 2Gletsu-Miller N, Broderius M, Frediani JK, Zhao VM, Griffith DP, Davis SS Jr, Sweeney JF, Lin E, Prohaska JR, Ziegler TR. Incidence and prevalence of copper deficiency following roux-en-y gastric bypass surgery. Int J Obes (Lond). 2012 Mar;36(3):328-35. doi: 10.1038/ijo.2011.159. Epub 2011 Aug 30. PMID: 21876546; PMCID: PMC3748601.