Bệnh nhân nam 57 tuổi đến khám vì khó thở khi gắng sức và nặng dần trong 6 tháng qua. Ông để ý mình thường ho kèm ít đàm và nặng hơn vào buổi sáng trong 2 năm qua. Tiền căn hút thuốc lá 40 gói.năm, trước giờ khỏe mạnh, không tăng huyết áp, không tăng cholesterol máu, và không đái tháo đường.
Khám lâm sàng, bệnh nhân tỉnh, ngồi thoải mái. SpO2 khí phòng là 93%. Tĩnh mạch cổ phẳng và khám tim bình thường. Không rale ở đáy phổi, nhưng giảm âm phế bào hai bên.
X-quang ngực ghi nhận vòm hoành nằm ngang, bóng tim không to và không sung huyết phổi.
Cận lâm sàng nào dưới đây là phù hợp nhất để đánh giá tình trạng của bệnh nhân lúc này?
A. Khí máu động mạch
Chưa chính xác!
Đo SpO2 đầu ngón tay đã thay thế khí máu động mạch trong đánh giá độ bão hòa oxy máu. Xét nghiệm sinh hóa máu cho kết quả bicarbonate huyết thanh tăng có thể gợi ý đáp ứng bù trừ cho tình trạng toan hô hấp mạn tính.
Dù vậy, đôi khi (nhưng không phải thường quy) có thể đề nghị khí máu động mạch để định lượng chính xác mức độ ứ CO2.
B. CT-scan ngực
Chưa chính xác!
CT ngực sẽ cho hình ảnh “bong bóng” do phá hủy các phế nang cạnh nhau trên bệnh nhân khí phế thũng, tuy nhiên đây không phải là cận lâm sàng thường quy.
C. Nghiệm pháp gắng sức đánh giá lượng oxy tiêu thụ tối đa
Chưa chính xác!
Bệnh nhân COPD thường bị giới hạn khả năng gắng sức, nhưng có thể đánh giá gắng sức bằng lâm sàng.
D. Siêu âm tim ước lượng áp lực thất phải
Chưa chính xác!
Siêu âm tim có thể cung cấp thông tin về tăng áp động mạch phổi (thường gợi ý có biến chứng tâm phế mạn) ở những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của rối loạn chức năng thất phải, tuy nhiên đây không phải là cận lâm sàng thường quy trong COPD.
Bổ sung thêm, cung cấp O2 để giảm thiếu oxy máu là cách tốt nhất để ngăn ngừa tử vong do bệnh tâm phế ở những bệnh nhân này.
E. Đo hô hấp ký
Chính xác!
GOLD khuyến cáo sử dụng kết quả hô hấp ký để chuẩn hóa trong chẩn đoán và phân giai đoạn COPD. Chẩn đoán COPD khi bệnh sử và tiền căn phù hợp và bằng chứng tắc nghẽn đường thở cố định hoặc không hồi phục hoàn toàn bằng tỷ lệ FEV1/FVC sau test giãn phế quản <70%.
Hội chứng hạn chế gây giảm cả FEV1 và FVC nên tỷ số FEV1/FVC sẽ vẫn bình thường. Sau đó, phân giai đoạn COPD bằng FEV1.
Không có cận lâm sàng thường quy nào khác được khuyến cáo trong quản lý hay phân giai đoạn COPD.
Xem các đáp án khác để được giải thích chi tiết.