THGMT14

Bệnh nhân nữ 40 tuổi tiền căn khoẻ mạnh đến khám vì đau bụng. Trong một tháng qua, bà ta có 4 đợt đau quặn vùng thượng vị. Mỗi đợt xuất hiện trong vòng 1 giờ sau khi ăn và kéo dài khoảng 30 phút. Trong đó, có 2 đợt đổ mồ hôi và nôn. Không sốt, không khó thở, không sụt cân.

Tiền căn không hút thuốc lá, không rượu bia và không uống thuốc gì. Bà ta từng nằm viện 3 lần vì 3 lần sinh thường không biến chứng, ngoài ra chưa từng nhập viện vì lý do khác.

Khám lâm sàng bình thường ngoại trừ bệnh nhân có BMI là 32.

Kết quả công thức máu, sinh hoá máu bao gồm cả chức năng gan đều bình thường. Siêu âm bụng ghi nhận nhiều sỏi túi mật.

Điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân này là gì?

A. Omeprazole 20mg mỗi ngày trong 8 tuần
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân này có triệu chứng điển hình của đau quặn mật. Thuốc giảm acid dạ dày như omeprazole không giúp ích gì trên bệnh nhân này.

B. Ursodeoxycholic acid 300mg uống 3 lần/ngày
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân này có triệu chứng điển hình của đau quặn mật. Ursodeoxycholic acid có tác dụng tan sỏi nhưng thường tái phát.

C. Theo dõi mà không cần điều trị đặc hiệu
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân có triệu chứng điển hình của đau quặn mật. Nhiều khả năng sẽ tái phát và có thể xuất hiện biến chứng (viêm và tắc vị trí sỏi đi qua). Cần làm gì đó hơn là theo dõi.

D. Phẫu thuật cắt túi mật nội soi
 Chính xác! 

Bệnh nhân này có triệu chứng điển hình của đau quặn mật.

Sỏi mật rất thường gặp với các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi mật bao gồm tuổi cao, giới nữ, béo phì, mang thai, và sụt cân nhanh.

Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng, nhưng một số bệnh nhân sẽ biểu hiện cơn đau quặn mật. Khoảng một nửa bệnh nhân biểu hiện triệu chứng sẽ có nhiều đợt tái lại và mỗi năm thì 1-2% trong số đó sẽ có biến chứng.

Bệnh nhân không triệu chứng có thể chỉ định theo dõi. Ở bệnh nhân có triệu chứng thì để phòng ngừa biến chứng, phẫu thuật cắt túi mật được ưu tiên hơn là theo dõi. Phẫu thuật cắt túi mật thường có thể thực hiện bằng nội soi.

Ursodeoxycholic acid có tác dụng tan sỏi, tuy nhiên thường tái phát và thuốc chỉ được cân nhắc khi bệnh nhân có chống chỉ định với phẫu thuật.

E. Giảm cân
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân này có triệu chứng điển hình của đau quặn mật. Giảm cân không giúp tan sỏi, và sụt cân nhanh có thể khởi phát triệu chứng.