Chính xác!
Mỗi năm có gần 800,000 ca đột quỵ tại Mỹ và khoảng 200,000 tại Việt Nam (theo HCDC) và đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 và là nguyên nhân gây tàn tật lâu dài hàng đầu.
Hầu hết đột quỵ là do thiếu máu và huyết khối thuyên tắc. Tỷ lệ hiện mắc của bệnh động mạch mức độ trung bình đến nặng ở người Mỹ >65 tuổi là 5-9%, tương đương 1.3-2.4 triệu người. Tỷ lệ hiện mắc mỗi năm của TIA là gần 5 triệu trường hợp; trong số đó, 1/3 bệnh nhân có hẹp động mạch cảnh mức độ vừa đến nặng.
Cả nghiên cứu ACAS (asymptomatic Carotid Atherosclerosis Study) và thử nghiệm NASCET (North American Symptomatic Carotid Endarterectomy Trial) đều cho thấy đối với bệnh nhân có triệu chứng thì phẫu thuật giúp cải thiện sống còn, không đột quỵ sau 2 năm tốt hơn điều trị nội khoa. Như vậy câu hỏi cần đặt ra là lựa chọn can thiệp ngoại khoa nào cho bệnh nhân, các nghiên cứu và thử nghiệm sau đây sẽ trả lời câu hỏi này.
Thử nghiệm EVA-3S (Endarterectomy Versus Angioplasty in Patients With Symptomatic Severe Carotid Stenosis) và nghiên cứu stent động mạch cảnh quốc tế (International Carotid Stenting Study) cho thấy đối với bệnh nhân hẹp động mạch cảnh có triệu chứng thì phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh được ưu tiên lựa chọn hơn so với đặt stent động mạch cảnh.
Hơn nữa, nghiên cứu SPACE (Stent-Protected Angioplasty Versus Carotid Endarterectomy) cho thấy đặt stent có tỉ lệ hẹp tái phát sau 2 năm (hẹp >70%) cao hơn có ý nghĩa thông kê so với phẫu thuật cắt bỏ nội mạc (11.1% so với 4.6%).
Như vậy, có thể kết luận rằng điều trị ngoại khoa can thiệp giúp cải thiện sống còn tốt hơn nội khoa. Trong lựa chọn phương pháp ngoại khoa thì cắt bỏ nội mạc có vẻ như được ưu tiên lựa chọn và giảm tỉ lệ tái phát sau 2 năm tốt hơn đặt stent.