Các biện pháp triệt sản



Giới thiệu

Triệt sản là phẫu thuật gián đoạn hoặc loại bỏ vĩnh viễn một phần của bộ phận sinh dục nữ hoặc nam để ngăn chặn quá trình thụ tinh.

Dịch tễ:

  • Đây là biện pháp kế hoạch gia đình phổ biến nhất trên thế giới. Hơn 220 triệu cặp vợ chồng dùng phương pháp triệt sản để tránh thai, 90% trong số đó ở các nước đang phát triển.
  • Tỉ lệ triệt sản nữ:nam là 3:1.

Nguy cơ:

  • Tất cả các bệnh nhân trải qua phẫu thuật triệt sản cần phải biết bản chất, hiệu quả, tính an toàn, và các biến chứng của phẫu thuật cũng như của các biện pháp tránh thai thay thế khác.
  • Bệnh nhân phải được cảnh báo về khả năng hối tiếc sau này. Nhiều cặp vợ chồng có ý niệm sai lầm khi cho rằng quy trình triệt sản có thể dễ dàng hồi phục lại được. Nhà lâm sàng có trách nhiệm đảm bảo bệnh nhân biết rằng đây là biện pháp tránh thai vĩnh viễn.
  • Lưu ý, gọi là “biện pháp tránh thai vĩnh viễn” bởi vì dù có thể thực hiện phẫu thuật đảo ngược, nhưng không đảm bảo thành công (có thể mang thai trở lại) hoàn toàn.

Triệt sản nữ

Có thể thực hiện lúc mổ lấy thai, ngay sau sinh, sau phá thai, hoặc ở khoảng thời gian không liên quan gì đến thai nghén.

Ở các nước đang phát triển, thắt ống dẫn trứng nhìn chung là một hình thức thường gặp để kiểm soát sinh sản và được thực hiện rộng rãi, mặc dù một số quốc gia Hồi giáo (ví dụ Ai Cập và Indonesia) không cho phép sử dụng biện pháp này.

Các tổ chức y tế dựa trên đức tin ở các nước phát triển đôi khi sẽ từ chối thực hiện thắt ống dẫn trứng.

Ưu điểm: Thắt ống dẫn trứng là biện pháp tránh thai vĩnh viễn, hiệu quả và an toàn. Về lâu dài, biện pháp này giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng của phụ nữ lên đến 50%.

Các biến chứng: Tỉ lệ tử vong là 4/100.000, chủ yếu là do rủi ro trong gây mê. Biến chứng tiềm tàng khác bao gồm xuất huyết, nhiễm trùng, thắt nhầm dây chằng tròn, và tổn thương các tổ chức lân cận.

Hối tiếc sau phẫu thuật: Đối tượng dễ hối tiếc là những phụ nữ đã triệt sản khi còn trẻ tuổi (trước 25 tuổi). Các yếu tố nguy cơ gây hối tiếc bao gồm số lần mang thai, tình trạng hôn nhân, và sức khỏe của con cái.

Phẫu thuật phục hồi (đảo ngược):

  • 1/500 phụ nữ triệt sản sẽ trải qua vi phẫu thuật nối ống dẫn trứng (tubal reanastomosis). Kĩ thuật này sẽ có kết quả tốt nếu ống dẫn trứng chỉ tổn thương một phân đoạn nhỏ.
  • Tỉ lệ có thai trở lại sau khi nối ống dẫn trứng tùy thuộc vào tuổi tác của người phụ nữ và phương pháp triệt sản. Tỉ lệ có thai trở lại là khoảng 40% đối với phương pháp đốt điện, khoảng 70%-80% đối với phương pháp gắn kẹp hay vòng).

Kĩ thuật

1. Phẫu thuật mở bụng (laparotomy)

Vị trí của vết rạch phụ thuộc vào kích thước của tử cung:

  • Thắt ống dẫn trứng ở thời gian không mang thai (interval tubal ligation) được thực hiện bằng cách rạch một đường chính giữa từ 2-3 cm trên khớp vệ để mở đường vào bụng. Sau đó định vị tử cung rồi nâng vòi fallope bằng một ngón tay hoặc bằng kẹp Babock. Sau khi vòi fallope đã được nhận diện bởi tua vòi thì sẽ tiến hành thắt ống dẫn trứng.
  • Thắt ống dẫn trứng ở thời kỳ hậu sản (postpartum tubal ligation) được thực hiện lúc mổ lấy thai hoặc sau khi sinh qua ngả âm đạo. Triệt sản sau sinh ngả âm đạo thực hiện lý tưởng nhất là khi đáy tử cung còn cao trong ổ bụng (trong vòng 48 giờ sinh), rạch một đường dưới rốn từ 2-3 cm. Phải đảm bảo ổn định sức khỏe mẹ và trẻ sơ sinh trước khi triệt sản.
2. Phẫu thuật nội soi thắt ống dẫn trứng (laparoscopic tubal ligation)

Đây là phương pháp thực hiện trong thời kỳ không mang thai phổ biến nhất ở các nước phát triển:

  • Phẫu thuật viên thường sử dụng thiết bị tắc ống dẫn trứng cơ học, chẳng hạn như các clip lò xo (kẹp Filshie, Hulka) hoặc một cái băng cao su đàn hồi (vòng Falope). Đòi hỏi phải có đầy đủ kĩ năng để sử dụng những thiết bị đặc biệt này. Vòi fallope dính hoặc dày hoặc giãn to làm tăng nguy cơ lắp đặt sai và dẫn đến thắt vòi thất bại. Kẹp (5 mm) và vòng (2 cm) ít gây phá hủy mô ống dẫn trứng hơn và thủ thuật phục hồi (nếu bệnh nhân có nhu cầu) sẽ có khả năng thành công cao hơn.
  • Đốt điện lưỡng cực (bipolar electrocoagulation, BICAP) là phương pháp phẫu thuật nội soi làm tắc vòi thường được sử dụng tại Hoa Kỳ. Để đạt được hiệu quả tối đa, phải dùng đủ năng lượng và đốt hoàn toàn ít nhất là 3 cm phần eo của ống dẫn trứng.
3. Essure (phương pháp soi buồng tử cung, qua cổ tử cung)

Được thực hiện từ năm 2002, nhưng không phổ biến và không phải phẫu thuật viên nào cũng có thể thực hiện.

Một dụng cụ gọi là Microinsert được đặt vào đầu gần của ống dẫn trứng nhờ một ống thông đi xuyên qua ống nội soi buồng tử cung. Dụng cụ này được thiết kế để tạo ra các mô sẹo bên trong và xung quanh microinsert tại vị trí microinsert được đặt vào để bịt kín vòi tử cung.

Không giống với các hình thức thắt ống dẫn trứng khác, phương pháp này không cần gây mê toàn thân hoặc rạch da.

Sau đó ba tháng sẽ tiến hành chụp X-quang tử cung vòi trứng (hysterosalpingogram, HSG) để xác nhận chắc chắn đã bịt kín vòi. Bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai khác cho đến khi xác nhận đã tắc ống dẫn trứng thành công.

Tỉ lệ thất bại của triệt sản nữ

Tỉ lệ thất bại tùy thuộc vào kĩ thuật, tay nghề của bác sĩ phẫu thuật và đặc điểm của từng bệnh nhân (tuổi tác, tình trạng dính vùng chậu và ứ dịch ống dẫn trứng).

Phương pháp mở bụng (vi phẫu)Phẫu thuật nội soi
Thắt vòi trứng kiểu Pomeroy: 7/1000
Phương pháp Irving: không
Phương pháp Uchida: không
Dao đốt điện lưỡng cực : 25/1000
Thắt cơ học bằng vòng Falope: 18/1000
Thắt cơ học bằng kẹp Hulka: 37/1000
Thắt cơ học bằng kẹp Filshie: 30/1000
Bảng tỉ lệ thất bại triệt sản nữ trong 10 năm.

Nếu mang thai sau khi đã triệt sản thì nhiều khả năng là thai ngoài tử cung.

Triệt sản nam (thắt ống dẫn tinh)

Phương pháp:

  • Thắt ống dẫn tinh (vasectomy) là phẫu thuật làm gián đoạn ống dẫn tinh vĩnh viễn (không thể vận chuyển tinh trùng trong khi xuất tinh). Bệnh nhân được phẫu thuật tại phòng khám ngoại trú đơn giản trong vòng 15 phút và chỉ gây tê tại chỗ.
  • Tuy nhiên, phẫu thuật không có hiệu quả ngay lập tức. Tinh trùng bình thường sẽ trưởng thành trong các ống dẫn tinh khoảng 70 ngày trước khi xuất tinh. Cần tối thiểu 3 tháng hoặc xuất tinh khoảng 20 lần để làm cạn kiệt hoàn toàn tinh trùng còn sống trong các ống dẫn tinh. Vì vậy, phải kiêng hoặc giao hợp có biện pháp bảo vệ trong thời gian này. Ngoài ra, cần phải tiến hành phân tích tinh dịch trước khi giao hợp không dùng biện pháp bảo vệ.

Ưu điểm: Nếu so sánh với thắt ống dẫn trứng, thắt ống dẫn tinh an toàn hơn, ít tốn kém nhưng hiệu quả như nhau.

Biến chứng: Cơ bản thì tỉ lệ tử vong là bằng 0. Biến chứng thường gặp là tụ máu (hematomas) ở vết thương và thường tự giới hạn. Biến chứng lâu dài chủ yếu là cảm giác đau tinh hoàn kéo dài (“hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh” – post-vasectomy pain syndrome).

Hối tiếc sau phẫu thuật: Một số đàn ông trầm cảm, bực tức và trải qua một khoảng thời gian hối tiếc vì mất khả năng sinh sản. Những cảm xúc này cũng tương tự như khi một số phụ nữ trải qua thời kì sau mãn kinh. Một nửa trong số những người đàn ông thắt ống dẫn tinh muốn giữ bí mật họ đã triệt sản.

Phẫu thuật hồi phục (đảo ngược): Chưa tới 5% nam giới yêu cầu được thực hiện nối lại ống dẫn tinh (vas deferens reanastomosis). Đây là một thủ thuật khó khăn, tỉ mỉ, và tốn kém; tỉ lệ thành công chỉ 50%.

Tỉ lệ thất bại của thắt ống dẫn tinh dưới 0.5%.