Chu kỳ kinh nguyệt



Các định nghĩa

Tuổi dậy thì là thuật ngữ chung để chỉ thời gian chuyển tiếp từ thời thơ ấu đến sự trưởng thành giới tính.

Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện trung bình khoảng 12 tuổi (bình thường từ 8–16 tuổi).

Chu kỳ kinh nguyệt thường không đều trong suốt tuổi vị thành niên trước khi hình thành một chu kỳ buồng trứng ổn định hơn kéo dài từ 24–35 ngày (trung bình là 28 ngày). Thời gian hành kinh trung bình là từ 3 đến 7 ngày và lượng máu mất thường khoảng 80 mL.

Đau bụng giữa kỳ kinh là tình trạng đau hạ vị một bên, xảy ra quanh thời gian rụng trứng.

Mãn kinh được định nghĩa là sự chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt, thường xuất hiện ở độ tuổi 50. Phụ nữ khoảng 55 tuổi mà vẫn còn xuất huyết âm đạo cần được sinh thiết nội mạc tử cung để loại trừ bệnh lý ác tính.

Sinh lý chu kỳ kinh nguyệt

Hormone điều hòa phóng noãn

Cấu trúc vòng cyclopentenophenanthrene là khung carbon cơ bản của các hormone steroid. Cholesterol là steroid gốc tạo ra tất cả hormone như glucocorticoid, mineralocorticoid, và các steroid sinh dục.

Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu vào ngày thứ 1 được đánh dấu bằng hiện tượng chảy máu kinh và tiếp tục vài ngày sau đó cho đến khi sự bong tróc nội mạc tử cung dừng lại (thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 5).

Pha tăng trưởng bắt đầu từ đầu chu kỳ kinh nguyệt và kết thúc lúc trứng rụng (thường ở ngày thứ 13 hay ngày thứ 14). Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự dày lên của nội mạc tử cung và sự trưởng thành của nang noãn.

Pha hoàng thể (giai đoạn chế tiết) bắt đầu lúc trứng rụng và kéo dài đến ngày 28 trước khi chu kỳ mới lại bắt đầu vào ngày thứ 1.

Tương tác của các tuyến trong chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt phụ thuộc và sự tương tác phức tạp giữa não, tuyến yên, buồng trứng, và nội mạc tử cung.

Não

  • Vùng hạ đồi nằm ở sản não và đóng vai trò đơn vị xử lý trung tâm của cơ quan sinh sản.
  • Kích thích tế bào thần kinh từ vỏ não được vùng hạ đồi chuyển đổi thành các xung neuropeptide (hormone giải phóng gonadotropin, GnRH).
  • Quá trình sản xuất GnRH ở vùng hạ đồi được điều chế bởi phản hồi âm từ các hormone steroid (estradiol-17, progesterone).

Tuyến yên

  • Nằm ngay dưới vùng hạ đồi, tuyến yên gồm tuyến yên thần kinh (thùy sau) và tuyến yên nội tiết (thùy trước). Thùy trước tuyến yên tiết gonadotropin (hormone hoàng thể hóa [LH] và hormone kích thích sự phát triển nang noãn [FSH]).
  • Xung GnRH từ vùng hạ đồi kích thích tổng hợp và bài tiết LH và FSH. Tương tự như vùng hạ đổi, tuyến yên trước chịu phản hồi âm tính từ hormone steroid.
  • Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nồng độ LH và FSH thường nằm trong khoảng 10-20 mIU/mL. Sau thời kỳ mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt buồng trứng, nồng độ estradiol-17β giảm, LH và FSH được giải phóng khỏi phản hồi âm, nồng độ lưu hành đạt hơn 50 mIU/mL.

Buồng trứng

  • Tế bào mầm nguyên thủy (oogonia) phân chia bằng cách nguyên phân trong quá trình hình thành phôi thai, đạt đỉnh khoảng 7 triệu vào tháng thứ 5 của thai kỳ.
  • Sau đó, giảm phân bắt đầu, kết quả là hình thành các nang nguyên thủy. Tuy nhiên, quá trình thoái hóa nhanh chóng làm giảm số lượng nang noãn còn 2 triệu khi sinh. Ở tuổi dậy thì, chỉ có khoảng 300,000-400,000 nang noãn.
  • Tế bào trứng vẫn còn “nghỉ ngơi” trong kỳ đầu của phân bào giảm nhiễm cho đến khi tới tuổi dậy thì. Nang buồng trứng được bao quanh bởi các tế bào vỏ và tế bào hạt: FSH kích thích các tế bào hạt và LH kích thích các tế bào vỏ.
  • Chỉ có một “nang vượt trội” duy nhất phát triển mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Khi nó sản xuất đủ estrogen để duy trì nồng độ estradiol-17 tuần hoàn khoảng 200 pg/mL trong 48 giờ, trục hạ đồi-tuyến yên đáp ứng bằng cách tiết ra lượng lớn gonadotropin, chủ yếu LH. Đỉnh LH này xuất hiện trước khi trứng rụng khoảng 24-36 giờ.
  • Sau rụng trứng, nang thoái triển tạo thành hoàng thể. Cơ quan nội tiết này chủ yếu là tổng hợp progesterone để chuẩn bị nội mạc tử cung cho thai kỳ.
  • Nếu sự làm tổ không xảy ra, hoàng thể sẽ thoái hóa, dẫn đến sự suy giảm hormone steroid lưu hành và khởi đầu chu kỳ kinh nguyệt mới. Sự giảm nống độ hormone steroid tạo ra phản hồi âm, làm tuyến yên tăng tiết gonadotropin. Kết quả là một chu kỳ chiêu mộ nang noãn khác được bắt đầu.
  • Nếu sự làm tổ xảy ra, phôi thai sẽ “cứu” hoàng thể bằng cách sản xuất hCG (human chorionic gonadotropin), ngăn sự hành kinh. Ở tuổi thai 7-9 tuần, nhau thai sản xuất progesterone thay cho hoàng thể.

Nội mạc tử cung

  • Nội mạc tử cung thay đổi dữ dội theo chu kỳ tháng dưới sự kiểm soát của các hormone steroid do buồng trứng sản xuất.
  • Nang noãn sản xuất estradiol-17β giúp nội mạc tử cung phát triển. Sau đó, hoàng thể tổng hợp progesterone giúp nội mạc tử cung (đã được estrogen chuẩn bị) trưởng thành, tạo thuận lợi cho sự làm tổ.
  • Nồng độ hormone steroid sụt giảm vào cuối giai đoạn phân tiết gây bong tróc nội mạc tử cung, dẫn đến hiện tượng hành kinh.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Định nghĩa: Hội chứng tiền kinh nguyệt, “premenstrual syndrome (PMS)”, là sự xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt của một nhóm các triệu chứng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hay công việc.

Biểu hiện thường gặp bao gồm đầy bụng, tăng cân, táo bón, lo âu, căng tức ngực, trầm cảm, thèm ăn đường hoặc muối, tinh khi khó chịu.

Chẩn đoán dựa vào triệu chứng bệnh nhân miêu tả, các triệu chứng này có tính chu kỳ và có ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Hội chứng tiền kinh nguyệt khá phổ biến và thường nhẹ; 5%-10% bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng ở một số thởi điểm và 1% có triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến công việc và quan hệ cá nhân của họ.

Có nhiều giả thuyết đưa ra về nguyên nhân gây bệnh, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong việc giải thích sinh lý bệnh của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt thường là điều trị hỗ trợ, tăng cường tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống. Fluoxetine hoặc sertraline đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng trầm cảm, giận dữ, và lo lắng.