TMRLN5

Bệnh nhân nam 54 tuổi nhập viện sau cơn ngất. Bệnh nhân không nhớ gì về cơn ngất, người đi đường nói rằng ông ấy đột ngột ngã xuống rồi tỉnh dậy 45 giây sau đó. Bệnh nhân có tiền căn rối loạn lưỡng cực đang điều trị với quetiapine, tăng huyết áp đang điều trị với lisinopril và hydrochlorothiazide, đau lưng dưới đang điều trị với cyclobenzaprine và viên kết hợp hydrocodone/acetaminophen. Ngoài ra, gần đây ông cũng có một đợt viêm tuyến tiền liệt được điều trị với ciprofloxacin.

Khám lâm sàng thấy bệnh nhân tỉnh, nhận thức tốt, không có dấu thần kinh khu trú. Tim không âm thổi, không gallop, không tĩnh mạch cổ nổi.

ECG cho thấy một số thay đổi sóng T và ST không đặc hiệu và có QT kéo dài (QTc bằng 540 ms).

Xử trí ban đầu phù hợp nhất trên bệnh nhân này là gì?

A. Nhập viện, đo nồng độ kali và magie huyết thanh và duy trì thuốc đang dùng
 Chính xác! 

ECG của bệnh nhân có QT kéo dài (QTc >460mm). Cơn ngất nhiều khả năng là do nhịp nhanh thất đa hình (polymorphic ventricular tachycardia, PVT) hay xoắn đỉnh (torsades de pointes). Cả hai thuốc quetiapine và ciprofloxacin đều có thể gây QT kéo dài, ngoài ra HCTZ còn có thể gây hạ kali và magie máu. Kết hợp hai yếu tố này lại có thể gây nhịp nhanh thất đa hình.

Xoắn đỉnh có thể gây nguy hiểm tính mạng, do đó bệnh nhân này cần được nhập viện và điều chỉnh rối loạn điện giải ngay. Nếu QT vẫn kéo dài, có thể sử dụng chẹn beta và xem xét đặt máy khử rung tim.

B. Nhập viện đặt máy khử rung tim
 Chưa chính xác! 

Máy khử rung được chỉ định trên bệnh nhân nhịp nhanh thất kéo dài (>30 giây) và ở bệnh nhân nguy cơ cao đột tử tim (đặc biệt ở bệnh nhân suy tim có triệu chứng và phân suất tống máu thất trái dưới 35%). Chỉ định cấy ICD ở thời điểm này là còn sớm, trước tiên cần điều trị các bất thường có thể hồi phục.

C. Nhập viện và truyền amiodarone
 Chưa chính xác! 

Amiodarone là thuốc chống loạn nhịp nhóm III, tác dụng chẹn kênh kali và được chỉ định khi có rung thất và nhịp nhanh thất đơn dạng. Tuy nhiên, bệnh nhân hiện mắc rối loạn nhịp khác và khi đó amiodarone tác dụng kém hiệu quả hơn so với magie truyền tĩnh mạch và thuốc chẹn beta.

D. Chuyển hội chẩn bệnh lý tim bẩm sinh
 Chưa chính xác! 

ECG của bệnh nhân có QT kéo dài (QTc >460mm). Tuy nhiên bệnh nhân đã 54 tuổi và tiền căn cũng không ghi nhận triệu chứng tương tự nên không nghĩ ông ấy có bệnh lý cơ tim phì đại hoặc hội chứng QT kéo dài bẩm sinh.

E. Nhập viện và đề nghị chụp mạch vành
 Chưa chính xác! 

Chụp mạch vành được chỉ định khi các xét nghiệm không can thiệp khác gợi ý bệnh mạch vành. Bệnh nhân này không có đặc điểm nào gợi ý bệnh mạch vành.