TMST13

Bệnh nhân nam 72 tuổi đến khám vì khó thở tăng dần và phù hai chân. Ông không đau ngực và không hồi hộp đánh trống ngực. Khó thở khi gắng sức nhẹ, khó thở khi nằm, và thỉnh thoảng khó thở kịch phát về đêm.

Tiền căn nhồi máu cơ tim 10 năm trước và được tái thông mạch vành qua da, siêu âm tim sau biến cố nhồi máu ghi nhận phân suất tống máu thất trái là 30%, sau đó ông xuất viện và uống thuốc đầy đủ. Trong vòng 3 năm nay, có nhiều lần nhập viện vì đợt mất bù suy tim và 2 năm trước, ông được đặt máy khử rung tim (implantable cardioverter defibrillator, ICD). Ngoài ra, ông cũng mắc tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

Thuốc đang dùng gồm enalapril 10 mg 2 lần/ngày, carvedilol 6.25 mg 2 lần/ngày, simvastatin 20 mg 2 lần/ngày, aspirin 81 mg mỗi ngày, spironolactone 25 mg mỗi ngày, và furosemide 80 mg mỗi ngày.

Khám lâm sàng:

  • Không sốt, nhịp tim 62 lần/phút, huyết áp 90/50 mmHg, tĩnh mạch cổ nổi với sóng v lớn.
  • Phổi trong.
  • Âm thổi toàn thì tâm thu cường độ 3/6 nghe ở mỏm tim.
  • Gallop T3.
  • Phù mềm ấn lõm 3+.

Kết quả cận lâm sàng như sau:

  • Hemoglobin 10 g/dL
  • Sinh hóa: natri 126 mEq/L, kali 4.5 mEq/L, urea 42 mg/dL, creatinine 1.6 mg/dL.
  • Điện tâm đồ: nhịp máy tạo nhịp.
  • Xạ hình tưới máu cơ tim gắng sức gần đây cho kết quả khiếm khuyết ở thành trước vách, không có bằng chứng thiếu máu có thể hồi phục, và EF thất phải là 20%.

Hiện tại, bác sĩ đã cho ông nhập viện và điều trị lợi tiểu đường tĩnh mạch. Phù cải thiện, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục khó thở khi gắng sức tối thiểu, và kết quả creatinine trả về 2.0 mg/dL.

Xử trí tiếp theo nào dưới đây là hợp lý trên bệnh nhân này?

A. Tăng liều carvedilol lên 12.5 mg 2 lần/ngày
 Chưa chính xác! 

Với huyết áp hiện tại, không thể tăng liều chẹn beta.

B. Tối ưu liệu pháp tái đồng bộ cơ tim
 Chưa chính xác! 

Tối ưu tái đồng bộ cơ tim nhiều khả năng không hữu ích đối với bệnh nhân suy tim giai đoạn D và cung lượng tim thấp.

C. Thêm metolazone 5 mg mỗi ngày
 Chưa chính xác! 

Hiện tại bệnh nhân đã bớt phù, nhưng creatinine máu tăng do đó không nên bổ sung lợi tiểu thiazide.

D. Đánh giá khả năng sống còn cơ tim bằng PET scan
 Chưa chính xác! 

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã lâu và hiện tại không đau thắt ngực nên đánh giá khả năng sống còn cơ tim để quyết định tái thông mạch máu là không cần thiết, không giúp cải thiện triệu chứng và sống còn của bệnh nhân này.

E. Chuyển chuyên khoa đặt thiết bị hỗ trợ thất trái (left ventricular assist device, LVAD)
 Chính xác! 

Tình trạng suy tim sung huyết của bệnh nhân đã đến giai đoạn D theo ACC/AHA. Bệnh nhân có nhiều yếu tố tiên lượng xấu như nhiều đợt mất bù suy tim dù đã điều trị nội khoa tối ưu, huyết áp giảm, thiếu máu, suy thận, và EF thất trái giảm.

Bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở với EF thất trái ≤ 25%, và NYHA IV nên được cân nhắc đặt LVAD sau khi đã tối ưu điều trị nội khoa và máy tạo nhịp. Nghiên cứu cho thấy LVAD giúp kéo dài sống còn và cải thiện phân độ NYHA và chất lượng cuộc sống.