TNRLDG7

Bệnh nhân nam 27 tuổi tiền căn nghiện rượu đến khám vì ăn uống kém, yếu cơ toàn thân nhẹ, đau bụng trung bình nhẹ, tê môi, và co thắt cơ tay và chân.

Khám lâm sàng ban đầu bình thường.

Kết quả xét nghiệm máu trả về như sau:

  • Natri 140 mEq/L.
  • Kali 4.0 mEq/L.
  • Calci toàn phần 6.9 mg/dL.
  • Albumin 3.5 g/dL.
  • Magie toàn phần 0.7 mg/dL.
  • Phospho 2.0 mg/dL.

Lúc sau bác sĩ khám lại thì bệnh nhân có dấu Trousseau và dấu Chvostek.

Nguyên nhân nghĩ nhiều nhất gây hạ calci máu trên bệnh nhân này là gì?

A. Ăn uống kém
 Chưa chính xác! 

Ăn uống kém và loãng xương không gây hạ calci máu trừ khi bệnh nhân thiếu vitamin D. Đồng nghĩa đáp án E không chính xác.

B. Hạ albumin máu
 Chưa chính xác! 

Trên bệnh nhân hạ albumin máu thì xét nghiệm calci máu thường quy không phản ánh chính xác lượng calci trong máu. Tuy nhiên bệnh nhân này giảm albumin rất ít và đây là hạ calci máu thực sự. Tìm đáp án chính xác để được giải thích cụ thể.

C. Viêm tuỵ
 Chưa chính xác! 

Viêm tuỵ có thể gây hạ calci máu nhưng bệnh cảnh này không gợi ý viêm tuỵ.

D. Cơ quan đích giảm đáp ứng với hormon cận giáp do hạ magie máu
 Chính xác! 

Trước hết cần nói về xét nghiệm nồng độ calci máu. Calci trong máu tồn tại ở 2 dạng: calci gắn với protein (chủ yếu là albumin) và calci gắn với các anion khác (còn gọi là calci ion hoá). Nồng độ calci ion hoá đo được là chính xác và không bị ảnh hưởng với albumin máu, trong khi xét nghiệm nồng độ calci toàn phần (tức cả 2 dạng) sẽ phụ thuộc vào albumin máu. Do đó để đánh giá chính xác, ứng với mỗi 1 g/dL albumin giảm (quy ước nồng độ albumin bình thường là 4 g/dL) cần cộng thêm 0.8 mg/dL vào calci toàn phần đã đo được.

Bệnh nhân này có albumin máu 3.5 giảm không nhiều so với 4, do đó nếu hiệu chỉnh thì calci huyết tương toàn phần cũng thay đổi rất ít và bệnh nhân này thực sự có hạ calci máu.

Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của hạ calci máu là rối loạn sản xuất hormon cận giáp PTH. Ở những bệnh nhân nghiện rượu, rượu làm tăng mất magie qua nước tiểu, sau đó hạ magie máu làm giảm sản xuất PTH và cơ quan đích kém đáp ứng với PTH.

E. Loãng xương do thiếu hormon sinh dục
 Chưa chính xác! 

Ăn uống kém và loãng xương không gây hạ calci máu trừ khi bệnh nhân thiếu vitamin D. Đồng nghĩa đáp án A không chính xác.