Biện pháp ngừa thai



Tổng quan

Biện pháp tránh thai là tránh thai chủ động và tự nguyện nhằm kiểm soát sinh sản. Có thể phân loại biện pháp tránh thai thành các nhóm:

  1. Tránh thai nội tiết
    • Thuốc tránh thai uống: Bao gồm thuốc viên kết hợp estrogen-progestin và thuốc viên chỉ chứa progestin. Đây là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến nhất.
    • Thuốc tiêm: Depot medroxyprogesterone acetate (DMPA) được tiêm 3 tháng một lần.
    • Cấy ghép: Cấy ghép dưới da như etonogestrel cung cấp biện pháp tránh thai lâu dài lên đến 3-5 năm.
    • Miếng dán xuyên da: Những miếng dán đưa hormone qua da và được thay hàng tuần.
    • Vòng âm đạo: Những miếng dán được đưa vào âm đạo và thay hàng tháng.
  2. Dụng cụ đặt tử cung
    • Vòng tránh thai nội tiết: Giải phóng levonorgestrel và có thể hiệu quả trong 3-7 năm.
    • Vòng tránh thai bằng đồng: Không chứa hormone và có thể hiệu quả lên đến 10-12 năm.
  3. Phương pháp rào cản
    • Bao cao su: Bao cao su nam và nữ tạo ra rào cản vật lý đối với tinh trùng và cũng bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
    • Màng chắn và mũ chụp cổ tử cung: Được sử dụng với thuốc diệt tinh trùng để ngăn tinh trùng xâm nhập vào tử cung.
  4. Phương pháp vĩnh viễn
    • Triệt sản: Bao gồm thắt ống dẫn trứng đối với phụ nữ và thắt ống dẫn tinh đối với nam giới. Về mặt kỹ thuât, những phương pháp này có thể đảo ngược, tuy nhiên tỉ lệ thành công thay đổi tùy thuộc nhiều yếu tố và không đảm bảo hoàn toàn thành công.
  5. Thuốc tránh thai khẩn cấp
    • Thuốc uống: Levonorgestrel và ulipristal acetate được sử dụng sau khi giao hợp để tránh thai khẩn cấp.
    • Vòng tránh thai bằng đồng: Cũng có thể được sử dụng như biện pháp tránh thai khẩn cấp nếu được đặt trong vòng 5 ngày sau khi giao hợp không được bảo vệ.
  6. Phương pháp tự nhiên
    • Phương pháp dựa trên nhận thức về khả năng sinh sản (fertility awareness-based methods, FABM): Phương pháp này bao gồm theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh giao hợp trong thời kỳ dễ thụ thai.
    • Phương pháp gián đoạn: Rút dương vật ra trước khi xuất tinh.
  7. Thuốc diệt tinh trùng
    • Các tác nhân hóa học làm bất hoạt tinh trùng, thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp rào cản.

Lựa chọn biện pháp tránh thai phụ thuộc chủ yếu vào mục đích và nhu cầu của người sử dụng. Không có biện pháp nào đạt tất cả yếu tố: hiệu quả 100%, có thể sử dụng ngay lập tức, và chi phi thấp. Lưu ý trong số các biện pháp, chỉ có sử dụng bao cao su nam và nữ mới có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thuốc uống tránh thai

Thuốc uống tránh thai (oral contraceptive pills, OCPs) là biện pháp tránh thai tạm thời phổ biến nhất ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Thành phần: Hầu hết là thuốc tránh thai kết hợp có chứa estrogen và progestin tổng hợp. Các thuốc chỉ có progestin (hay còn gọi là “minipill”) ít phổ biến vì có liên quan đến tỉ lệ xuất huyết tử cung bất thường cao hơn.

Cách dùng:

  • Để đơn giản, uống viên đầu tiên vào ngày thứ nhất của chu kỳ kinh nguyệt, hoặc vào ngày chủ nhật đầu tiên của chu kỳ kinh. Sau đó, uống liên tục mỗi ngày một viên trong 21 ngày. Chu kỳ không rụng trứng sẽ bị xuất huyết (do sự ngưng thuốc chứa nội tiết tố).
  • Dạng vỉ 28 viên (mỗi ngày một viên, 7 ngày cuối là giả dược chứa đường hoặc sắt) thay vì 21 viên giúp phụ nữ dễ theo dõi, giảm sai sót hoặc quên uống thuốc.
  • Nên kiêng quan hệ hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai khác (điển hình là bao cao su) trong tháng đầu tiên (hoặc ít nhất 7 ngày đầu tiên) khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai vì nguy cơ chưa bảo vệ hoàn toàn.

Công thức: Gần đây, một số thuốc uống tránh thai tác dụng tạo ra chu kỳ kinh nguyệt hàng quý thay vì hàng tháng. Những loại thuốc tránh thai khác có chứa chất nội tiết kết hợp bao gồm băng dán tránh thai hàng tuần (OrthoEvra), vòng đặt âm đạo (NuvaRing) – thay đổi mỗi 3 tuần/lần, hoặc thuốc tiêm tránh thai hàng tháng (Lunelle).

Cơ chế hoạt động: Thuốc tránh thai ngăn chặn quá trình rụng trứng thông qua ức chế trung ương và ngăn tạo ra đỉnh hormone tạo hoàng thể (LH) vào giữa chu kỳ. Ngoài ra, thuốc tránh thai cũng có tác động ở ngoại biên làm giảm chức năng của ống dẫn trứng và làm dày chất nhầy cổ tử cung.

Thuốc uống tránh thai cũng đem lại những lợi ích khác:

  • Giảm đau bụng kinh và giảm xuất huyết tử cung.
  • Tác dụng bảo vệ bệnh vú lành tính.
  • Giảm tỉ lệ bệnh viêm vùng chậu.
  • Ngăn ngừa hình thành u nang buồng trứng.
  • Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung và có thể là lạc nội mạc tử cung.

Tác dụng phụ: Xuất huyết bất thường (nhất là nếu quên uống), buồn nôn, nhức đầu, huyết áp cao, tăng cân, đau vú.

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Có thai.
  • Bệnh lý thuyền tắc mạch máu.
  • Bệnh gan mạn tính.
  • Xuất huyết tử cung chưa rõ chẩn đoán.
  • U tân sinh phụ thuộc estrogen.

Chống chỉ định tương đối:

  • Phụ nữ trên 35 tuổi.
  • Hút thuốc lá.
  • Đau đầu migraine.
  • Bệnh tim.
  • Biến chứng đái tháo đường.

Tránh thai dạng tiêm tác dụng kéo dài

Depomedroxyprogesterone acetate (DMPA, Depo-Provera)

Liều lượng: Tiêm bắp 150 mg mỗi 12 tuần.

Cơ chế: Ngăn chặn quá trình rụng trứng bằng cách ngăn đỉnh LH vào giữa chu kỳ.

Tác dụng phụ: Xuất huyết âm đạo bất thường, vô kinh, tăng cân, rụng tóc, giảm ham muốn tình dục, trầm cảm, và loãng xương.

Que cấy dưới da phóng thích etonogestrel (Nexplanon/Implanon)

Liều lượng: Cấy vào vùng da dưới cánh tay một que cấy đơn. Có hiệu quả tránh thai trong 3 năm.

Cơ chế: Ngăn chặn quá trình rụng trứng, làm suy yếu sự trưởng thành của nang noãn và làm đặc chất nhầy cổ tử cung.

Tác dụng phụ: Tương tự như DMPA. Rút que cấy mất thời gian hơn lúc đặt vào và có thể cảm thấy khó chịu nhẹ do xơ hóa chỗ cấy que.

Tránh thai bằng phương pháp rào cản

Đây là những biện pháp tránh thai bằng cách ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào đường sinh dục nữ.

Bao cao su nam

Đây là biện pháp rào cản phổ biến nhất, là một lớp bao trùm lên dương vật làm từ chất liệu latex hay polyurethane, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh dịch vào trong âm đạo.

Dùng một lần rồi bỏ, sử dụng tiện lợi, rẻ tiền, phổ biến rộng rãi và giúp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Dụng cụ đặt trong âm đạo

Màng chắn tránh thai là một mảnh nhựa latex hình tròn được giữ tại chỗ bằng một khung kim loại có thể gập lại. Màng chắn giúp ngăn không cho tinh dịch chảy vào trong kênh cổ tử cung. Thường phải được dùng cùng với một loại gel diệt tinh trùng và không được tháo trong vòng 6 giờ sau khi giao hợp.

Bao cao su nữ được đặt vừa vặn bên trong âm đạo và bao phủ cả đáy chậu. Loại bao cao su này ít được sử dụng.

Chất diệt tinh trùng

Nonoxynol-9, một chất tẩy rửa không độc hại, làm phá hủy màng tế bào của tinh trùng, là thành phần hoạt động chính.

Sử dụng không cần kê toa. Có nhiều loại dưới dạng bọt, kem bôi hoặc thuốc đặt. Đa phần thường dùng kèm với màng ngăn âm đạo.

Dụng cụ đặt trong tử cung (vòng tránh thai)

Dụng cụ đặt trong tử cung, còn được gọi là biện pháp tránh thai tác dụng lâu dài có thể đảo ngược (long-acting reversible contraception, LARC). Đây là biện pháp tránh thai có thể đảo ngược được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và được xác nhận là lựa chọn đầu tay bất kể số lần mang thai trước đó (hiệu quả cao, chi phí phù hợp, tác dụng kéo dài, có thể đảo ngược, yêu cầu duy trì thấp, an toàn với hầu hết phụ nữ, và có thể kèm theo tác dụng phụ mong muốn).

Thuật ngữ: Tại Hoa Kỳ, tất cả các thiết bị được đặt trong tử cung để ngừa thai được gọi là dụng cụ trong tử cung. Tại Vương quốc Anh, chỉ các thiết bị có chứa đồng được gọi là dụng cụ trong tử cung (intrauterine devices, IUDs) và các dụng cụ tránh thai trong tử cung có nội tiết tố được gọi là hệ thống trong tử cung (intrauterine system, IUS).

Liều lượng: Có thể đặt bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi loại trừ thai kỳ. Thủng tử cung có thể xảy ra lúc đặt vòng vào tử cung, nhưng rất hiếm. Tỉ lệ rơi vòng là 5% trong năm đầu tiên.

Cơ chế: Ngăn ngừa trứng thụ tinh và làm tổ bằng cách tạo phản ứng viêm vô khuẩn tại chỗ, giúp chống lại noãn bào, tinh trùng, và hợp tử.

Tác dụng phụ:

  • Rong kinh và đau bụng kinh là nguyên nhân chính làm ngưng sử dụng vòng tránh thai chứa đồng T-380A (ParaGard) – IUD.
  • Ngược lại, dụng cụ đặt trong tử cung chứa nội tiết tố levonorgestrel (vòng Mirena) – IUS có thể làm giảm lượng máu kinh, giảm đau bụng kinh, và có thể dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung.
  • Nguy cơ nhiễm trùng tử cung rất thấp trong 3 ngày đầu sau khi đặt vòng.

Tránh thai khẩn cấp (viên thuốc buổi sáng hôm sau)

Tránh thai khẩn cấp không được khuyến cáo là biện pháp tránh thai đầu tay. Thường được sử dụng sau khi thất bại với các biện pháp tránh thai khác hoặc sau khi quan hệ tình dục không biện pháp bảo vệ.

Nguy cơ mang thai có thể giảm 75% nếu uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 72 giờ sau giao hợp không biện pháp bảo vệ.

Cách dùng:

  • Cách 1: Dùng 1 liều duy nhất 1.5 mg levonorgestrel.
  • Cách 2: Vỉ chứa 2 viên (mỗi viên chứa 0.75 mg levonorgestrel). Uống viên đầu tiên càng sớm càng tốt (không vượt quá 72 giờ), sau đó 12 giờ thì uống viên thứ 2.
  • Ngoài ra, có thể đặt thêm vòng tránh thai bằng đồng để ngăn trứng làm tổ.

Tỉ lệ thất bại

Phương pháp tính ngày (canh ngày giao hợp theo chu kỳ kinh nguyệt), giao hợp gián đoạn (rút dương vật trước khi xuất tinh), thụt rửa sau khi giao hợp, và cho con bú kéo dài là những phương pháp không đáng tin cậy và không được coi là các biện pháp tránh thai vì tỉ lệ thất bại cao.

Phương phápTỉ lệ thất bại thấp nhất trong 1 năm sử dụng (%)Tỉ lệ thất bại thông thường trong 1 năm sử dụng (%)
OCs, OrthoEvra, NuvaRing, ‘mini-pill’0.38
Bao cao su nam
215
Màng chắn và thuốc diệt tinh trùng616
Dụng cụ tử cung Paragard0.60.8
Vòng Mirena0.20.2
Depo-Provera0.33
Nexplanon/Implanon<0.1<0.1
Bảng tỉ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai.