Một số ngộ độc đặc biệt ở trẻ em



Giới thiệu

Cần nghĩ đến và nghi ngờ ngộ độc khi không giải thích được bệnh ở một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh trước đó. Ngoài ra, cũng lưu ý rằng các loại thuốc cổ truyền cũng có thể là nguồn gốc gây ngộ độc. Ngộ độc một số chất cụ thể sẽ có hướng chẩn đoán và xử lý đặc biệt. Nội dung bài này nói về xử trí một số ngộ độc đặc biệt ở trẻ em. Xem thêm bài “Tổng quan chẩn đoán và xử trí ngộ độc ở trẻ em”.

Chất ăn mòn

Ví dụ chất ăn mòn gồm NaOH, KOH, axit, chất tẩy, và chất khử khuẩn.

Xử trí:

  • Không được gây nôn hoặc dùng than hoạt khi vừa mới uống chất ăn mòn vì có thể gây tổn thương miệng, hầu họng, đường dẫn khí, phổi, thực quản và dạ dày nhiều hơn.
  • Cho uống sữa hoặc nước càng sớm càng tốt để pha loãng chất ăn mòn.
  • Sau đó đưa trẻ có biểu hiện nặng nhưng không bị tổn thương ở miệng đi nội soi kiểm tra tìm tổn thương thực quản hay thủng thực quản.

Hợp chất xăng dầu

Ví dụ hợp chất xăng dầu như dầu lửa, xăng, nhựa thông tổng hợp.

Xử trí

  • Không được gây nôn hoặc dùng than hoạt, bởi vì hít sặc có thể gây suy hô hấp thiếu oxy máu do phù phổi và viêm phổi hóa chất. Hấp thu vào đường tiêu hóa có thể gây bệnh não.
  • Điều trị bằng oxy liệu pháp nếu trẻ bị suy hô hấp.

Hợp chất phospho hữu cơ và carbamate

Ví dụ như hợp chất hữu cơ (malathion, parathion, tetra ethyl pyrophosphate, mevinphos (Phosdrin)); carbamates (methiocarb, carbaryl). Những hợp chất này có thể hấp thu qua da, tiêu hóa hoặc đường hít.

Trẻ có thể bị nôn ói, tiêu chảy, nhìn mờ hoặc yếu liệt. Các dấu hiệu hoạt hóa hệ đối giao cảm quá mức: tăng tiết đờm nhớt, nước bọt, mồ hôi, nước mắt, mạch chậm, đồng tử co nhỏ, co giật, yếu liệt cơ hoặc run thớ cơ, sau đó là liệt và mất kiểm soát bàng quang, phù phổi và suy hô hấp.

Xử trí:

  • Loại bỏ độc chất bằng rửa sạch mắt nếu độc chất dính vào mắt, rửa sạch da nếu độc chất dính vào da.
  • Dùng than hoạt trong vòng 4 giờ sau khi ngộ độc qua đường tiêu hóa.
  • Không gây nôn vì hầu hết thuốc trừ sâu có pha dung môi xăng dầu.
  • Trong trường hợp ngộ độc nặng mà không cho than hoạt được, cân nhắc hút cẩn thận độc chất khỏi dạ dày bằng ống thông mũi dạ dày (đường thở nên được bảo vệ).
  • Nếu trẻ có triệu chứng cường đối giao cảm thì nguy cơ tử vong chủ yếu là tăng tiết đờm nhớt quá mức. Atropin tiêm bắp hoặc tiêm mạch mỗi 5-10 phút cho đến khi không còn dấu hiệu tăng tiết, da đỏ và khô, đồng tử giãn và nhịp tim nhanh. Có thể lặp lại mỗi 1-4 giờ trong ít nhất 24 giờ để duy trì tác dụng của atropin. Mục đích duy trì là để giảm tăng tiết đờm nhớt đồng thời tránh tác dụng phụ của atropin. Nếu được nên nghe phổi tìm dấu hiệu tăng tiết của đường thở, mắc monitor theo dõi nhịp thở, nhịp tim và đánh giá tri giác.
  • Kiểm tra dấu hiệu thiếu oxy máu bằng máy đo SaO2 nếu tiêm atropin vì nó gây rối loạn nhịp tim (nhất là rối loạn nhịp thất) ở trẻ thiếu oxy. Cung cấp oxy khi SaO2 ≤ 90%.
  • Nếu có triệu chứng yếu cơ, dùng pralidoxim (tác dụng hoạt hóa men cholinesterase) 25-50mg/kg pha với 15ml nước cất, truyền tĩnh mạch trong 30 phút, có thể lặp lại một đến hai lần hoặc truyền tĩnh mạch liên tục 10- 20mg/kg/giờ khi cần.

Paracetamol

Xử trí ngộ độc paracetamol:

  • Ngộ độc qua đường tiêu hóa trong 4 giờ đầu, dùng than hoạt nếu có sẵn, hoặc gây nôn nếu không có chất đối kháng đặc hiệu dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch.
  • Chỉ định chất đối kháng đặc hiệu để phòng ngừa tổn thương gan khi uống paracetamol >150 mg/kg hoặc nồng độ paracetamol sau uống 4 giờ ở mức gây độc. Chất đối kháng đặc hiệu thường được dùng ở trẻ lớn uống paracetamol để tự tử hoặc khi cha mẹ nhầm lẫn dùng quá liều cho trẻ nhỏ.
  • Trong vòng 8 giờ sau ngộ độc, dùng methionine uống hoặc acetylcysteine truyền tĩnh mạch. Methionin có thể được sử dụng nếu trẻ tỉnh táo và không nôn.
  • Nếu ngộ độc hơn 8 giờ, hoặc trẻ không thể uống, dùng acetylcystein truyền tĩnh mạch. Lưu ý rằng lượng dịch pha với acetylcystein trong phác đồ chuẩn là quá nhiều đối với trẻ nhỏ.

Đối với trẻ <20kg, liều nạp 150mg/kg pha trong 3ml/kg dung dịch dextrose 5% truyền tĩnh mạch trong 15 phút, truyền tĩnh mạch liên tục 50mg/kg pha trong 7ml/kg dextrose 5% trong 4 giờ, sau đó 100mg/kg pha trong 14ml/ kg dextrose 5% trong 16 giờ. Lượng dung dịch dextrose 5% có thể tăng lên đối với trẻ lớn. Tiếp tục truyền acetylcystein hơn 20 giờ nếu phát hiện ngộ độc trễ hoặc có bằng chứng tổn thương gan. Nếu men gan tăng, tiếp tục truyền cho đến khi men gan về bình thường.

Aspirin và dẫn xuất salicylate khác

Ngộ độc salicylate có thể rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ vì hợp chất nhanh chóng trở thành axit gây toan chuyển hóa và có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Biểu hiện lâm sàng gồm thở Kussmaul, nôn ói và ù tai. Tuy nhiên, không đơn thuần là toan chuyển hóa, sinh lý bệnh và biểu hiện lâm sàng của quá liều salicylate đa dạng và phức tạp, gây khó khăn trong xử trí.

Xử trí:

  • Dùng than hoạt nếu có sẵn. Lưu ý rằng viên salicylate có xu hướng ngưng kết trong dạ dày nên hấp thụ chậm, vì vậy dùng than hoạt có hiệu quả cao. Nếu than hoạt không có sẵn và uống phải một lượng lớn độc chất nên tiến hành rửa dạ dày hoặc gây nôn, như trên.
  • Natri bicarbonate truyền tĩnh mạch 1mmol/kg trong 4 giờ để điều chỉnh toan máu và kiềm hóa nước tiểu giữ pH nước tiểu >7.5 để tăng thải salicylate qua thận. Bổ sung kali uống . Theo dõi pH nước tiểu mỗi giờ.
  • Truyền dịch theo nhu cầu cơ bản nếu trẻ không có dấu hiệu mất nước.
  • Theo dõi đường huyết mỗi 6 giờ, và điều chỉnh khi cần.
  • Vitamin K 10 mg tiên bắp hoặc tĩnh mạch.

Ngộ độc sắt

Tìm các dấu hiệu lâm sàng ngộ độc sắt: buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy. Chất nôn hay phân thường có màu xám hay đen. Trong trường hợp ngộ độc nặng, có thể bị xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, lơ mơ, co giật và toan chuyển hóa. Triệu chứng tiêu hóa thường xuất hiện trong 6 giờ đầu và những trẻ không có triệu chứng có thể không cần chất đối kháng đặc hiệu.

Xử trí:

  • Than hoạt tính không thể gắn kết với muối sắt; vì vậy, cân nhắc rửa dạ dày nếu ngộ độc với lượng sắt nhiều. Cho phép dùng chất đối kháng đặc hiệu (deferoxamine) để loại bỏ lượng sắt còn lại trong dạ dày.
  • Chỉ dùng chất đối kháng khi có bằng chứng lâm sàng ngộ độc vì deferoxamine cũng có tác dụng phụ. Có thể lựa chọn deferoxamine truyền tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp
  • Hiếm khi nào quá liều sắt cấp tính cần điều trị hơn 24 giờ. Có thể ngưng điều trị khi bệnh nhân ổn định về lâm sàng và sắt huyết thanh <60 μmol/L.

Ngộ độc morphin và các dẫn xuất

Tìm các triệu chứng rối loạn tri giác, buồn nôn hoặc nôn, suy hô hấp (thở chậm hoặc ngưng thở), đồng tử co nhỏ như đinh ghim và phản xạ ánh sáng chậm. Thông thoáng đường thở; nếu cần bóp bóng qua mặt nạ giúp thở và cung cấp oxy.

Xử trí:

  • Dùng chất đối kháng đặc hiệu naloxone 10 μg/kg tiêm mạch; nếu không đáp ứng, lặp lại 10 μg/kg tiêm mạch. Có thể lặp lại liều tiếp theo nếu suy hô hấp nặng.
  • Nếu không tiêm mạch được thì tiêm bắp nhưng tác dụng chậm hơn.

Carbon monoxide

Xử trí:

  • Cung cấp oxy 100% để tăng thải carbon monoxide cho đến khi không còn dấu hiệu thiếu oxy. Lưu ý dù da niêm có thể hồng nhưng bệnh nhân vẫn còn thiếu oxy máu.
  • Theo dõi bằng máy đo độ bão hòa oxy, lưu ý rằng máy đo độ bão hòa oxy có thể cho kết quả cao giả tạo. Nếu nghi ngờ cần theo dõi dấu hiệu thiếu oxy trên lâm sàng.