Đau vùng chậu



Giới thiệu

Đau vùng chậu là cảm giác chủ quan nên khó xác định nguyên nhân chính xác. Đau bụng kinh (đau mỗi khi hành kinh) là dạng đau thường gặp nhất trong phụ khoa.

Đánh giá lâm sàng

Bệnh sử cho biết bản chất, mức độ, vị trí đau. Tuy nhiên, đau tạng trong ổ bụng thường khó xác định vị trí cụ thể.

Khám thực thể bao gồm khám phụ khoa toàn diện. Đặc biệt chú ý mô phỏng lại triệu chứng đau.

Cấy Chlamydia/ lậu cổ tử cung và tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu thưởng giúp xác định chẩn đoán.

Cũng có thể chỉ định siêu âm và các xét nghiệm hình ảnh học khác.

Có thể cần hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa khác khi muốn làm xét nghiệm chẩn đoán chuyên biệt như gây mê, chỉnh hình, thần kinh, hoặc tiêu hóa.

Đau vùng chậu cấp tính

Có thể do những nguyên nhân nguy hiểm (vỡ ruột thừa) cần chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân phụ khoa gây đau vùng chậu cấp được chia làm ba nhóm nguyên nhân chính – viêm, vỡ, và xoắn. Bao gồm:

  • Thai ngoài tử cung. Ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ưu tiên đầu tiên trong chẩn đoán đau vùng chậu cấp là loại trừ khả năng thai ngoài tử cung vỡ.
  • Viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease, PID) cấp tính là tỉnh trạng nhiễm trùng ngược dòng ở phụ nữ có sinh hoạt tình dục với các triệu chứng sốt cao, đau vùng chậu dữ dội, lắc cổ tử cung đau.
  • Vỡ nang buồng trứng. Vỡ nang buồng trứng, nang hoàng thể hay nang lạc nội mạc tử cung thường là nguyên nhân thường gặp của đau vùng chậu cấp tính. Đau có thể dữ dội đến nỗi gây ngất. Bệnh có thể tự giới hạn nếu xuất huyết vào ổ bụng lượng ít.
  • Xoắn phần phụ thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên hay phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Do mạch máu nuôi bị xoắn, khối ở phần phụ (u bì buồng trứng, nang nước Morgagni) có thể gây đau dữ dội do làm giảm lượng máu nuôi đột ngột. Đau thường dữ dội rồi giảm chút ít sau đó đau lại, đau kèm buồn nôn và nôn.
  • Dọa sẩy thai, sẩy thai khó tránh, hoặc sẩy thai không trọn thường gây đau quặn từng cơn vùng hạ vị.
  • Thoái hóa u xơ tử cung hoặc u buồng trứng thường gây đau nhói hay đau âm ỉ.

Nguyên nhân ngoài phụ khoa gây đau vùng chậu cấp gồm:

  • Viêm ruột thừa là nguyên nhân gây đau bụng ngoại khoa thường gặp nhất, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong trường hợp điển hình, lúc đầu đau khu trú ở vùng thượng vị, nhưng vài giờ sau đau chuyển sang ở phần tư bụng dưới bên phải (điểm McBurney). Đau kèm theo sốt nhẹ, chán ăn, tăng bạch cầu.
  • Viêm túi thừa thường xuất hiện ở những phụ nữ lớn tuổi. Đau có đặc điểm là đau hố chậu trái, tiêu chảy lẫn máu, sốt và tăng bạch câu.
  • Bệnh lý đường tiết niệu (viêm bàng quang, viêm tủy thận, sỏi thận) đau cấp tính vùng trên vệ, cảm giác đè nặng và/hoặc tiểu khó.
  • Viêm hạch mạc treo thường theo sau nhiễm trùng hô hấp ở phụ nữ trẻ tuổi. Triệu chứng đau thường lan tỏa và mức độ ít hơn viêm ruột thừa.

Đau vùng chậu mạn tính

Hầu hết phụ nữ đều thỉnh thoảng bị đau vùng chậu. Khi triệu chứng này kéo dài từ 3-6 tháng thì gọi là đau vùng chậu mạn tính.

Chiếm khoảng 10% lý do đến khám phụ khoa và 20%-30% trường hợp nội soi ổ bụng.

Thông thường có rất ít tương quan giữa mức độ trầm trọng của bệnh lý và mức độ đau bệnh nhân cảm nhận: 1/3 bệnh nhân đau vùng chậu sau khi nội soi ổ bụng vẫn không xác định được nguyên nhân.

10%–20% trường hợp đau vùng chậu được cắt tử cung. Sau phẫu thuật, 75% bệnh nhân sẽ giảm đau nhiều.

Bệnh nhân và bác sĩ sẽ có thể cảm thấy bất mãn vì bệnh khó điều trị và khó kiểm soát.

Nguyên nhân phụ khoa gây đau vùng chậu mạn gồm:

  • Đau bụng kinh là nguyên nhân phổ biến nhất. Đau bụng kinh nguyên phát thường không liên quan với bệnh lý vùng chậu mà được giải thích là do sự phóng thích prostaglandin quá mức từ tử cung. Đau bụng kinh thứ phát thường là do mắc phải (ví dụ lạc nội mạc tử cung). Thuốc ngừa thai uống và thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) giúp ích cho điều trị.
  • Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng có mức độ đau rất khác nhau từ chỉ đau bụng kinh thông thường đến đau rất dữ dội, không đáp ứng điều trị, đau liên tục làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bệnh nhân. Mức độ đau thường không tương quan với mức độ nặng của bệnh.
  • Lạc nội mạc trong cơ tử cung là bệnh lý thường gặp và chỉ được xác định khi cắt tử cung. Thông thường nhất, bệnh nhân thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ. Tử cung to, căng, đau nhẹ khi khám âm đạo có thể gợi ý cho chẩn đoán.
  • U xơ tử cung là khối u thường thấy nhất (lành tính) ở vùng chậu người phụ nữ. U xơ gây đau do chèn ép các cơ quan lân cận hay khi bị thoái hóa. Hội chứng tồn dư buồng trứng đặc trưng bởi tình trạng đau vùng chậu dai dẳng sau khi cắt bỏ hai phần phụ. Trong trường hợp này, một phần nang của buồng trứng được xem là nguồn gốc gây đau.
  • Sa sinh dục có thể dẫn đến cảm giác nặng, chèn ép, cảm giác khối sinh dục sa xuống, đau âm ỉ vùng chậu. Viêm vùng chậu mạn tính thường là hậu quả của ứ dịch vòi trứng, nang vòi trứng-buồng trứng hay dính vùng chậu. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng điều trị nội khoa cũng là một chọn lựa, bao gồm bổ sung dinh dưỡng, vật lý trị liệu, châm cứu/ bấm huyệt, thuốc chống trầm cảm.

Nguyên nhân ngoài phụ khoa gây đau vùng chậu mạn gồm:

  • Bệnh lý dạ dày-ruột như bệnh lý viêm ruột.
  • Bệnh lý cơ xương khớp như căng cơ hay thoát vị đĩa đệm.
  • Viêm mô kẽ bàng quang (tình trạng viêm bàng quang mạn tính).
  • Rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorder, somatic symptom disorder) với điểm đặc trưng là đau và triệu chứng giống như có bệnh, nhưng liên quan đến yếu tố tâm lý (bất hòa gia đình, lạm dụng tình dục). Bệnh nhân không nhận thức được triệu chứng của họ và không cố ý làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Những bệnh nhân nữ mắc bệnh này thường có tiền sử thất bại điều trị với nội khoa và cả ngoại khoa với nhiều bác sĩ khác nhau.