Xuất huyết tử cung bất thường



Định nghĩa

Rong kinh là tình trạng xuất huyết tử cung kéo dài (>7 ngày) và/hoặc nhiều (>80 mL) xảy ra đều đặn.

Rong huyết là tình trạng xuất huyết tử cung với lượng máu mất khác nhau xảy ra không đều đặn nhưng thường xuyên.

Kinh mau là khi khoảng cách giữa 2 chu kỳ kinh ngắn (<21 ngày). Trong khi đó, kinh thưa là khi khoảng cách giữa 2 chu kỳ kinh dài (>35 ngày).

Nguyên nhân xuất huyết âm đạo bất thường

Nguyên nhân thực thể

Bệnh lý đường sinh dục:

  • Tình trạng thai kỳ là nguyên nhân gây xuất huyết âm đạo bất thường hay gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (dọa sẩy thai, sẩy thai không trọn, sẩy thai hoàn toàn; thai ngoài tử cung; bệnh lý nguyên bào nuôi. Xuất huyết do làm tổ cũng là một tình trạng thường gặp xảy ra vào khoảng thời điểm trễ kinh đầu tiên.
  • Sang thương ở tử cung thường gây rong kinh, rong huyết vì làm tăng diện tích bề mặt, làm biến dạng mạch máu nội mạc tử cung, hay làm cho bề mặt tử cung dễ bong tróc/viêm.
    • Carcinoma hoặc sarcoma nội mạc tử cung.
    • Tăng sản nội mạc tử cung.
    • Nhân xơ dưới niêm.
    • Polyp nội mạc tử cung.
    • Viêm nội mạc tử cung.
    • Lạc nội mạc trong cơ.
  • Sang thương cổ tử cung thường gây rong huyết (đặc biệt xuất huyết sau giao hợp) do xói mòn hoặc do chấn thương trực tiếp.
    • Lộ tuyến tử cung: Các tế bào tuyến từ kênh trồi ra cổ ngoài gây lộ tuyến (gặp trong thai kỳ hoặc ở những phụ nữ sử dụng thuốc viên ngừa thai kết hợp)
    • Polyp cổ tử cung: Một hay nhiều polyp có thể bị hoại tử, kích ứng, hoặc loét gây chảy máu.
    • Ung thư cổ tử cung.
  • Nguyên nhân do điều trị y khoa: Đặt dụng cụ tử cung, thuốc ngừa thai uống hoặc tiêm hay hormone thay thế, thuốc an thần hay các thuốc tâm thần khác. Thuốc ngừa thai dạng uống thường gây kinh nguyệt không đều trong 3 tháng đầu sử dụng, nếu bệnh nhân quên thuốc hay hút thuốc lá. Thuốc ngừa thai chỉ chứa progesterone tác dụng kéo dài (Depo-Provera, Nexplanon) thường gây ra kinh nguyệt không đều. Một vài bệnh nhân không biết mà sử dụng thảo dược (ví dụ cây thuộc họ ban St Johns wort, nhân sâm) gây ảnh hưởng nội mạc tử cung.

Bệnh hệ thống:

  • Rối loạn tạo máu như bệnh von Willebrand và thiếu prothrombin có thể có biểu hiện xuất huyết âm đạo nhiều trong suốt tuổi vị thành niên. Các bệnh lý gây giảm tiểu cầu (leukemia, nhiễm trùng nặng) gây giảm tiểu cầu có thể biểu hiện thành rối loạn kinh nguyệt.
  • Suy giáp thường gây ra rong kinh hoặc rong huyết. Cường giáp thường không liên quan đến rối loạn kinh nguyệt nhưng có thể gây ra kinh thưa hay vô kinh.
  • Xơ gan thường gây ra xuất huyết thứ phát lượng lớn do giảm khả năng tổng hợp estrogen.
Nguyên nhân cơ năng (nội tiết)

Chẩn đoán xuất huyết tử cung do rối loạn chức năng (DUB) chỉ được đưa ra sau khi loại trừ nguyên nhân cơ thể học, nguyên nhân hệ thống, nguyên nhân do nhân viên y tế (đây là chẩn đoán loại trừ).

Xuất huyết tử cung chức năng không phóng noãn:

  • Đây là dạng xuất huyết chiếm ưu thế trong những năm đầu dậy thì hay thời kỳ tiền mãn kinh do suy giảm chức năng thần kinh nội tiết.
  • Đặc trưng bởi sự hình thành liên tục estradiol-17 mà không có sự tạo hoàng thể và sản xuất progesterone.
  • Tình trạng estrogen không có chất đối kháng dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung liên tục và cuối cùng vượt quá khả năng cung cấp của mạch máu gây bong tróc không đều, không dự đoán trước được.

Xuất huyết tử cung chức năng có phóng noãn:

  • Tỉ lệ: khoảng hơn 10% ở những phụ nữ buồng trứng còn hoạt động.
  • Xuất huyết lượng ít giữa chu kỳ sau đỉnh LH là hiện tượng sinh lý. Chu kỳ kinh ngắn thường là do sự rút ngắn của giai đoạn nang noãn. Thay vào đó, giai đoạn hoàng thể có thể kéo dài do hoàng thể tồn tại lâu.

Chẩn đoán

Tuổi của bệnh nhân là yếu tố quan trọng nhất để chẩn đoán.

Nên ưu tiên loại trừ các biến chứng liên quan đến thai kỳ ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Cần tìm hiểu tất cả các loại thuốc đang sử dụng để loại trừ ảnh hưởng của chúng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Các triệu chứng lâm sàng ngoài phụ khoa (tuyến giáp to, gan to) có thể gợi ý bệnh lý hệ thống. Xuất huyết niệu dục (nhiễm trùng tiểu) hay xuất huyết tiêu hóa có thể làm bệnh nhân tưởng lầm là xuất huyết âm đạo.

Thăm khám vùng chậu có thể phát hiện các bất thường về cấu trúc (polyp cổ tử cung), nhưng cần khám thường xuyên thêm nhiều lần để xác định.

Nồng độ hemoglobin, nồng độ sắt, và nồng độ ferritin trong máu là một cách đo khách quan lượng và thời gian máu mất. Có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác (nồng độ TSH, chức năng đông máu).

Lịch theo dõi chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp xác định chính xác lượng, tần số, thời gian hành kinh.

Có thể đánh giá sự rụng trứng bằng cách hỏi bệnh sử cẩn thận, nếu cần thiết có thể dùng bộ kit dự đoán rụng trứng.

Có thể thực hiện đánh giá tử cung sâu hơn ở phụ nữ không có thai bằng cách thực hiện sinh thiết nội mạc tử cung hay soi buồng tử cung.

  • Soi buồng tử cung có thể dùng để chẩn đoán và điều trị.
  • Các thủ thuật có thể thực hiện qua soi buồng tử cung: cắt đốt nội mạc tử cung, cắt polyp, bóc nhân xơ tử cung dưới niêm.

Có thể chỉ định siêu âm vùng chậu nếu không xác định được nguyên nhân gây xuất huyết.

Điều trị nội khoa

Đa số bệnh nhân xuất huyết tử cung bất thường có thể điều trị nội khoa, đặc biệt trong các trường hợp không có tổn thương cấu trúc.

  • Thuốc ngừa thai dạng uống có thể có hiệu quả trong phần lớn các trường hợp kinh nguyệt không đều thông thường (xuất huyết tử cung chức năng không phóng noãn và có phóng noãn). Tuy nhiên, xuất huyết tử cung chức năng thỉnh thoảng có thể biểu hiện dưới dạng xuất huyết cấp tính cẩn phải điều trị với estrogen liều cao (uống/tiêm tĩnh mạch) ngắn hạn nhằm hỗ trợ tạm thời lớp nội mạc tử cung.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (mefenamic acid) đã cho thấy có tác dụng làm giảm lượng máu mất, đặc biệt ở các bệnh nhân có rụng trứng.

Điều trị ngoại khoa

Các bất thường cấu trúc thường cần phải can thiệp phẫu thuật để làm giảm triệu chứng.

  • Nong và nạo (D&C) có thể là biện pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân xuất huyết tử cung cấp tính do tăng sinh nội mạc.
  • Soi tử cung là thủ thuật thực hiện tại phòng khám hay thực hiện trong phòng mổ và cho bệnh nhân về trong ngày, có thể sử dụng để chẩn đoán và điều trị tổn thương tử cung bất thường. Buồng tử cung được bơm đẩy dịch, cho phép nhìn thấy trực tiếp các bất thường và sử dụng các dụng cụ soi tử cung.
  • Cắt đốt nội mạc tử cung (ví dụ NovaSure) có thể làm giảm đáng kể lượng máu mất.
  • Cắt tử cung thường chỉ được chỉ định ở những bệnh nhân tổn thương cấu trúc không thể điều trị bảo tồn (đa u xơ tử cung to, sa tử cung). Có thể chỉ định cắt tử cung ở những bệnh nhân xuất huyết tử cung chức năng dai dẳng, nhưng chỉ khi không đáp ứng điều trị nội khoa.