Chấn thương và vết thương ở trẻ em



Giới thiệu

Trẻ vào viện với đa chấn thương hoặc chấn thương nặng là vấn đề đe dọa đến tính mạng. Nhiều cơ quan và tứ chi có thể cùng bị ảnh hưởng, và kết hợp những chấn thương này lại có thể làm tình trạng của trẻ trở nặng nhanh. Do đó, xử trí ban đầu đòi hỏi nhận biết sớm các dấu hiệu đe dọa tính mạng.

Trong vòng 1 giờ đầu từ khi trẻ được đưa vào viện, quan trọng nhất là đánh giá và phân loại ưu tiên cấp cứu ban đầu. Khi có nhiều hơn một dấu hiệu đe dọa tính mạng, cần điều trị đồng thời đa chấn thương và đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả từ đội ngũ nhân viên y tế.

Đánh giá thì đầu

Khi đánh giá nhanh ban đầu, còn thường được gọi là “kiểm tra thì đầu” (primary survey), cần xác định chấn thương đe dọa tính mạng như:

  • Tắc nghẽn đường thở.
  • Chấn thương ngực và biểu hiện khó thở.
  • Xuất huyết ngoại hoặc xuất huyết nội nghiêm trọng.
  • Chấn thương đầu và cột sống cổ.
  • Chấn thương bụng.

Đánh giá ban đầu toàn bộ hệ thống. Nếu có nguy cơ chấn thương cổ, cố gắng tránh di chuyển cổ, và cố định cổ.

Trong quá trình đánh giá thì đầu, bất kỳ khi nào lâm sàng trở nặng hơn thì cần đánh giá lại từ đầu; bởi vì tổn thương không được phát hiện trước đó có thể biểu hiện rõ ràng hơn ở thời điểm hiện tại. Bộc lộ toàn bộ cơ thể trẻ để tìm vết thương. Bắt đầu với đánh giá và ổn định đường thở, đánh giá thông khí, tuần hoàn và tri giác và cầm máu.

Để tránh bỏ sót, ghi nhớ ABCDE để đánh giá có hệ thống và toàn diện:

  • A – Airway: Thông thoáng đường thở.
  • B – Breathing: Thông khí đầy đủ.
  • C – Circulation: Tuần hoàn và kiểm soát xuất huyết.
  • D – Disability: Hệ thống thần kinh trung ương (đánh giá mức độ hôn mê), cố định cột sống cổ.
  • E – Exposure: Bộc lộ toàn bộ cơ thể và tìm kiếm các thương tích.

Những điểm cần lưu ý:

  • Lưu tâm đến các hệ thống cơ quan chính và các vùng cơ thể bị thương trong suốt quá trình đánh giá thì đầu và xử trí cấp cứu.
  • Hồi sức phù hợp; cung cấp oxygen bằng bóng và mặt nạ nếu cần thiết; cầm máu; đánh giá tuần hoàn để chỉ định truyền dịch hoặc truyền máu nếu cần.
  • Lấy máu xét nghiệm Hb máu và nhóm máu và phản ứng chéo khi thiết lập đường truyền tĩnh mạch.
  • Ghi lại tất cả các thủ thuật đã làm.

Đánh giá thì hai

Tiến hành đánh giá lại hay đánh giá thì hai (secondary survey) khi đã ổn định đường thở, thông khí và tri giác của bệnh nhân. Tiến hành kiểm tra từ đầu đến chân, đặc biệt chú ý đến những điều sau:

  • Đầu: da đầu và những bất thường ở mắt, tai ngoài và tổn thương mô mềm quanh mắt.
  • Cổ: vết thương sâu, tràn khí dưới da, lệch khí quản và tĩnh mạch cổ.
  • Thần kinh: chức năng não (tri giác, AVPU), vận động, cảm giác và phản xạ tủy cổ.
  • Ngực: xương đòn và xương sườn, tiếng thở và nhịp tim.
  • Bụng: vết thương bụng sâu cần phẫu thuật thăm dò, vết thương nông và khám trực tràng khi cần thiết.
  • Xương chậu và tứ chi: gãy xương, mạch ngoại vi, vết cắt, vết bầm tím và vết thương nhẹ khác.
Cận lâm sàng

Sau khi đã ổn định và khi có chỉ định, cận lâm sàng có thể được thực hiện. Nhìn chung, các xét nghiệm này hữu ích, tùy thuộc vào loại chấn thương:

  • X-quang: tùy thuộc vào tổn thương nghi ngờ (có thể bao gồm ngực, bên cổ, xương chậu, cột sống cổ với tất cả bảy đốt sống, xương dài và xương sọ).
  • Siêu âm: siêu âm bụng tổng quát có thể hữu ích trong việc chẩn đoán xuất huyết nội hoặc tổn thương nội tạng.
Điều trị

Khi đã ổn định bệnh nhân, tiếp tục theo dõi để đạt được và duy trì cân bằng nội môi, nếu cần thiết, sắp xếp chuyển viện an toàn đến bệnh viện tuyến trên hoặc bệnh viện chuyên khoa.

Các can thiệp tại cấp cứu bao gồm:

  • Trong trường hợp không có chấn thương đầu, tiêm mạch morphine 0.05-0.1 mg/kg tĩnh mạch để giảm đau, tăng liều 0.01-0.02 mg/kg mỗi 10 phút cho đến đau được kiểm soát. Giảm đau và trấn an bệnh nhân nên được tiến hành xuyên suốt trong các giai đoạn chăm sóc trẻ.
  • Nếu có dấu hiệu của sốc, truyền 20 ml/kg normal saline, và đánh giá lại.
  • Nếu có chỉ định truyền máu sau xuất huyết, truyền 20 ml/kg máu toàn phần hoặc 10 ml/kg hồng cầu lắng.
  • Điều chỉnh hạ đường huyết.
  • Điều trị các chấn thương cụ thể: bỏng, chấn thương đầu, chấn thương ngực, hay gãy xương.