Nội tiết khi mang thai và chuyển dạ



Giới thiệu

Nhau thai là nguồn nội tiết tố phong phú, bao gồm human chorionic gonadotropin (hCG), human chorionic somatolactotropin (hCS), các hormone steroid, oxytocin, growth hormone (GH), corticotropin-releasing hormone (CRH), proopiomelanocortin, prolactin, và gonadotropin-releasing hormone (GnRH).

Human chorionic gonadotropin

Human chorionic gonadotropin (hCG) là một hormone protein có hai tiểu đơn vị khác nhau, tiểu đơn vị α giống với LH, FSH và TSH, nhưng có một tiểu đơn vị β đặc thù. hCG có liên quan nhiều nhất với LH.

hCG chỉ được sản xuất từ hợp bảo nuôi và có thể được phát hiện trong huyết thanh mẹ 8-9 ngày sau khi thụ thai. Đây là cơ sở của tất cả các xét nghiệm chẩn đoán thai kỳ.

hCG tăng gấp đôi mỗi 48 giờ trong một vài tuần đầu tiên của thai kỳ, đạt đỉnh điểm của khoảng 80,000-100,000 mIU/mL khoảng từ 8-10 tuần. Sau đó, nồng độ hCG giảm xuống còn khoảng 10,000-20,000 mIU/mL, và vẫn giữ ở mức đó trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ.

Chức năng chính của hCG dường như là duy trì progesterone sản xuất từ hoàng thể, cho đến khi nhau thai có thể đảm nhận vai trò sản xuất progesterone khi thai khoảng 6-8 tuần. Progesterone là chất cần thiết để duy trì thai kỳ trong giai đoạn sớm, vd. nếu ta phẫu thuật cắt bỏ hoàng thể hoặc sử dụng một chất đối kháng progesterone (ví dụ như mifepristone) trước 7 tuần (49 ngày) của thai kỳ sẽ gây sẩy thai.

hCG cũng có các tác động giống tuyến giáp (0.025% của TSH), chỉ có ý nghĩa lâm sàng nếu nồng độ hCG tăng cao như trong thai trứng toàn phần.

Human chorionic somatolactotropin

Human chorionic somatolactotropin (hCS) – trước đây là human placental lactogen (hPL) – là một tập hợp của các hormone protein sản xuất duy nhất từ nhau thai, và có liên quan chặt chẽ với cả prolactin và hormone tăng trưởng (GH).

Sản xuất hCS tỉ lệ thuận với khối lượng nhau thai và tăng đều đặn trong suốt thai kỳ.

Chức năng của hCS chưa được biết đến, nhưng nó có tác dụng tương tự như một chất kháng insulin và có thể tham gia vào tình trạng kháng insulin, đây cũng là một điểm đặc trưng khi mang thai.

Các hormone steroid

Nhau thai là nơi sản xuất progesterone và estrogen chính trong thai kỳ.

Trong nhau thai, estrogen được tổng hợp từ tiền chất androgen và chuẩn bị cho tử cung vào chuyển dạ. Progesterone có nguồn gốc chủ yếu từ cholesterol và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự bất hoạt của tử cung trước khi chuyển dạ.

Kiểm soát nội tiết trong chuyển dạ

Quá trình sinh sản rất quan trọng cho việc duy trì nòi giống. Mỗi loài có cách chuyển dạ khác nhau. Sự khác biệt này phản ánh mức độ tiến hóa của sinh vật hoặc có thể đưa ra giải pháp cho những vấn đề sinh sản của mỗi loài (như sự khác biệt trong nhau thai, thời gian mang thai, và số lượng con mỗi khi mang thai).

Sự tiến bộ khá chậm trong hiểu biết của chúng ta về cơ chế chuyển dạ ở người phản ánh việc thiếu các mô hình động vật thích hợp. Bên cạnh đó là những khó khăn trong suy luận từ cơ chế nội tiết ở nhiều loài động vật đến các cơ chế phức tạp của quá trình cận tiết hoặc toàn tiết trong quá trình sinh đẻ ở người.

Nhiều bằng chứng cho thấy rằng, trong hầu hết các loài sinh con, thai kiểm soát thời gian chuyển dạ. Điều này có thể là do kích hoạt của trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận của thai nhi trước khi vào chuyển dạ. Đây là cơ chế chung cho tất cả các loài sinh con.

Nhau thai của người là một cơ quan tạo steroid không hoàn chỉnh. Quá trình sản xuất estrogen tại nhau thai đòi hỏi bắt buộc phải có androgen. Androgen này được thai cung cấp dưới dạng dehydroepiandrostenedione sulfate (DHEA-S).

Sự kích hoạt của trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận của thai khi thai đủ ngày làm cho vùng trung gian tuyến thượng thận thai nhi tiết ra lượng nhiều DHEA-S. DHEA-S được hydroxyl hóa tại gan của thai và đi qua tuần hoàn thai đến nhau thai, sau đó được chuyển đổi chủ yếu thành estriol (16-hydroxyestradiol-17β).

Thai kỳ ở người được đặc trưng bởi tình trạng tăng estrogen không tương xứng với các động vật có vú khác. Nhau thai là nơi sản xuất estrogen chính. Nồng độ của estrogen trong tuần hoàn mẹ tăng lên theo tuổi thai. Estrone nhau thai và estradiol-17β có nguồn gốc chủ yếu từ androgen C19 của mẹ (testosterone và androstenedione), trong khi estriol có nguồn gốc chủ yếu từ DHEA-S thai nhi. Estrogen không gây ra các cơn co thắt tử cung, nhưng thúc đẩy một loạt các thay đổi của cơ tử cung (tăng số lượng thụ thể prostaglandin, thụ thể oxytocin, và các liên kết khe – gap junction) nhằm nâng cao khả năng tạo cơn gò tử cung.

Ngoài DHEA-S, tuyến thượng thận của thai nhi cũng sản xuất cortisol, cortisol có hai tác dụng:

  1. Chuẩn bị cơ quan của thai thích ứng cuộc sống ngoài tử cung sau khi sinh.
  2. Thúc đẩy sản xuất một số sản phẩm từ nhau thai, bao gồm corticotropin-releasing hormone (CRH), oxytocin, và prostaglandin (đặc biệt là prostaglandin E2 – PGE2).

CRH của nhau thai khởi phát một vòng phản hồi dương bằng cách kích thích trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận thai để sản xuất DHEA-S và cortisol nhiều hơn, sau đó các chất này lại kích hoạt CRH của nhau thai. Lưu ý rằng tác dụng kích thích này của cortisol lên CRH nhau thai ngược với tác dụng của cortisol lên CRH từ mẹ.

Oxytocin từ nhau thai tác động trực tiếp trên cơ tử cung gây ra cơn gò và gián tiếp bằng sự sản xuất prostaglandin (đặc biệt là prostaglandin F – PGF) từ màng rụng.

PGF được sản xuất chủ yếu bởi màng rụng (của mẹ) và tác động lên cơ tử cung để kích hoạt thụ thể oxytocin và các liên kết khe, và do đó thúc đẩy cơn co tử cung.

PGE2 chủ yếu có nguồn gốc từ nhau thai và có lẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm “chín muồi” cổ tử cung và vỡ ối tự nhiên (spontaneous rupture of membranes, SROM).